Mong muốn "thoát nghèo ổn định", khởi nghiệp sớm và làm giàu nhanh chóng, nhiều người trẻ sẵn sàng dồn tiền tiết kiệm, vay mượn hàng triệu đồng để tham gia các khóa học làm giàu.
- Những cô gái nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ...lưng
- Những hình ảnh về chó và mèo khiến triệu trái tim nghẹn ngào
Mua bí quyết kiếm lương nghìn đô với vài triệu đồng
"Nếu bạn không thể nắm bắt cơ hội kịp thời, hãy để người khác thành công thay bạn", "Các tỷ phú như Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg thành công không cần bằng đại học", "Hãy quên đi giới hạn. Đừng từ chối thành công"…, nhan nhản quảng cáo bùi tai mời gọi người trẻ tham gia các khóa học làm giàu siêu tốc.
Dành dụm đủ 2,5 triệu đồng sau 3 tháng làm bảo vệ ca đêm cho một nhà sách trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), cậu sinh viên Phan Hữu Vinh (Vĩnh Phúc) chuyển khoản ngay để kịp tham gia khóa huấn luyện doanh nhân trẻ, do một nhà đào tạo có tiếng đứng lớp
.
"Bên ban tổ chức thông báo đây là khóa hạn chế số lượng, nên nếu không nhanh chân sẽ hết suất. May quá em vừa lọt vào tốp cuối", Vinh hào hứng chia sẻ.
Hiện tại, ngoài việc học, Vinh bán hàng qua mạng một số sản phẩm cho học sinh, sinh viên, như đồ chơi công nghệ, quần áo và làm dịch vụ vận chuyển, bảo vệ… Tuy nhiên, cũng vì nhà nghèo, số tiền còm kiếm về mỗi tháng không đủ giúp cậu sống khá khẩm hơn. Đọc nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công của các doanh nhân trẻ, Hữu Vinh mong muốn được đào tạo để sớm "đi tắt, làm giàu nhanh" như họ.
Chung tâm sự như Phan Hữu Vinh, rất nhiều bạn trẻ là sinh viên, cử nhân mới tốt nghiệp đã bấm bụng bỏ số tiền lớn làm học phí tham gia các khóa đào tạo doanh nhân, học làm giàu siêu tốc. Cũng nhờ vậy, vô vàn khóa dạy làm giàu của cá nhân và tổ chức liên tục khai giảng. Đa số các khóa học diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đòi hỏi mức phí khá cao, từ 2 triệu đến cả chục triệu đồng mỗi khóa.
Điểm chung của các khóa học này là đều đánh vào khao khát "làm giàu không khó" ở người trẻ. Thậm chí, để thu hút và tạo niềm tin từ người tham gia, một số khóa học còn công khai cam kết giúp học viên đạt được thành quả sau thời gian đào tạo. Như: "Bí quyết làm giàu, kiếm lương nghìn đô", "Trở thành doanh nhân trẻ thành đạt sau 3 năm", "Không thành công, hoàn học phí"…
Các lớp học này luôn được tổ chức ở những hội trường lớn, thu hút hàng trăm học viên. Nhiều khóa học được truyền thông tốt, đông người tham gia, có thể thu về tới vài trăm triệu đồng mỗi khóa.
"Trước kia em vốn nhút nhát, khả năng giao tiếp rất kém nên dù có năng lực cũng không thể chứng tỏ mình trước tập thể. Nhưng nhờ được đào tạo và truyền lửa, em đã thay đổi hoàn toàn. Chưa bao giờ em thấy mình tự tin và nhìn rõ tương lai như thế", Phạm Thị Nga (21 tuổi, nhân viên môi giới bất động sản), khẳng định.
Nga cho biết, đã đầu tư 6,5 triệu đồng cho 3 khóa học giao tiếp và marketing.
Chỉ học thành công, giấu chuyện thất bại!
"Lúc đó mình chỉ nghĩ phải nắm bắt tốt cơ hội. Bill Gates hay CEO Facebook cũng không nhất thiết phải lấy bằng đại học mới thành công", Minh T. nói.
Khi ấy, T. được một doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị hợp tác, cung cấp lượng lớn tinh dầu tràm và dầu bưởi đi Đài Loan. Nếu thắng "vụ" này, cậu sẽ có trong tay khoảng hơn 100 triệu đồng làm vốn mở xưởng sản xuất.
Tuy nhiên, do còn non kinh nghiệm, dù nghỉ học để tập trung 100% cho hợp đồng, T. vẫn thất bại. Và vì bỏ thi học kỳ, cậu không được nhà trường cho phép bảo lưu kết quả.
Sau nửa năm vật lộn mưu sinh ở thành phố, T. tự thấy thành công không dễ dàng như sách nói hay thầy giảng. Trong khóa học dạy làm chủ vận mệnh cuộc đời, T. chỉ được nghe về những câu chuyện thành công như mơ của những kẻ nghèo. Tuy nhiên, những kiến thức thực tế về thị trường Việt Nam, bài học thất bại của rất nhiều người trẻ như cậu đều không xuất hiện. Hiện tại, vẫn giấu bố mẹ việc bị thôi học, T. ở lại thành phố, tập trung ôn luyện để thi lại ĐH vào năm tới.
Chung hoàn cảnh như T., Lê Việt Bắc (quận Đống Đa) cũng đành dang dở học hành vì "tin lời thầy nói".
Bắc cho biết, lẽ ra nếu "tỉnh" hơn, giờ cậu đã trở thành thầy giáo dạy Toán, hoặc cũng có thể theo đuổi đam mê kinh doanh nhưng trên nền tảng vững chắc hơn.
Sau 3 năm ôm mộng làm giàu, hiện Bắc đang là nhân viên vận chuyển hàng hóa kiêm thợ sửa chữa điện máy. Công việc tuy vất vả nhưng đủ giúp cậu có thu nhập ổn định, dần vượt qua cú sốc làm giàu thất bại trước kia.
Chị Nguyễn Thu Nga, giám đốc nhân sự của một tập đoàn kinh tế trụ sở tại Hà Nội chia sẻ, việc tham gia các khóa đào tạo kỹ năng, phát triển năng lực và tư duy là cần thiết với mọi đối tượng lao động. Song, người học cần tỉnh táo, lựa chọn khóa học phù hợp, chủ động chọn lọc kiến thức để thực hành trong hoàn cảnh cụ thể của mình.
"Theo quy luật, các bạn trẻ nên làm chủ kiến thức trước khi thực hành, nên làm nhân viên trước khi làm lãnh đạo, tìm hiểu thị trường trước khi nuôi mộng làm chủ thị trường. Và hơn hết, học cách thất bại trước khi nghĩ tới thành công. Hãy đặt mình vào vị trí phổ biến hơn là những tấm gương thành công hiếm hoi trong những hoàn cảnh đặc biệt", chị Nga chia sẻ.
Nguồn: vietgiaitri.com
No comments: